×
5 HIỆU ỨNG TÂM LÝ LÀ ‘KHẮC TINH’ CỦA NHỮNG QUYẾT ĐỊNH SÁNG SUỐT

5 HIỆU ỨNG TÂM LÝ LÀ ‘KHẮC TINH’ CỦA NHỮNG QUYẾT ĐỊNH SÁNG SUỐT


1. Chú trọng chiến thắng

Chúng ta nhớ đến Bill Gates, Mark Zuckerberg đã trở thành những tỷ phú thế giới. Họ là những người không hoàn thành đại học. Từ đó, kết luận rằng không cần trường học để thành công, không phải lãng phí thời gian và nên bắt đầu một doanh nghiệp càng sớm càng tốt.

Bill Gates và Mark Zuckerberg đã thật sự thành công và được cả thế giới nhắc đến. Nhưng cũng đã có hàng ngàn những nhà khởi nghiệp thất bại, lâm vào nợ nần hoặc âm thầm đăng kí phá sản.

Khi sự ghi nhớ chỉ dành cho những chiến thắng và kẻ thua cuộc bị quên lãng, nó bắt nguồn cho hiệu ứng “Chú trọng chiến thắng”.

Nó không chỉ đơn thuần nhắc nhở rằng một số ‘chiến thuật thành công’ không dành cho chúng ta. Ở đây còn nhấn mạnh rằng chúng ta thậm chí còn không biết được rằng liệu chiến thuật đó có thật sự hiệu quả hay không.

2. Ám ảnh sự mất mát


Xu hướng tránh thua lỗ khiến chúng ta phải đưa ra những quyết định ngớ ngẩn và thay đổi hành vi chỉ đơn giản là để giữ những thứ mà chúng ta vốn đã sở hữu. Chúng ta có cảm giác được bảo vệ những thứ chúng ta sở hữu và điều đó có thể khiến chúng ta định giá quá cao những món đồ này so với các lựa chọn khác.

Đây chính là lý do chúng ta chi thêm tiền mua bảo hiểm cho các thiết bị vốn đã ngốn rất nhiều tiền trước đó. Mặc dù đã quyết định mua những loại sản phẩm chất lượng nhất, chúng ta vẫn không chịu được việc mất đi cảm giác an toàn tuyệt đối. Và chúng ta chi trả thêm rất nhiều cho một khoản mà có lẽ sẽ không bao giờ được dùng tới.

3. Hiệu ứng Heuristic

Tính khả dụng Heuristic đề cập đến một sai lầm phổ biến mà bộ não của chúng ta mắc phải khi cho rằng những sự kiện dễ dàng nghĩ đến cũng là những điều quan trọng hoặc phổ biến nhất.

Thế giới đã trải qua nhiều dịch bệnh ác liệt xuyên suốt lịch sử. Mặc dù chưa được tuyên bố là đại dịch, COVID-19 vẫn được xem là nỗi ám ảnh kinh hoàng nhất. Đây chính là kết quả của truyền thông, của thời đại Internet.

Một ví dụ khác, nghiên cứu của Steven Pinker tại Đại học Harvard đã chỉ ra rằng chúng ta hiện đang sống trong thời kỳ ít bạo lực nhất trong lịch sử. Hiện có nhiều người đang sống trong hòa bình hơn bao giờ hết. Tỷ lệ giết người, hiếp dâm, tấn công tình dục và lạm dụng trẻ em đều giảm.

Hầu hết mọi người đều bị sốc khi nghe những con số thống kê này. Nếu đây là khoảng thời gian hòa bình nhất trong lịch sử, tại sao lại có quá nhiều cuộc chiến tranh xảy ra ngay bây giờ? Tại sao tôi nghe về hiếp dâm và giết người và tội phạm mỗi ngày? Tại sao tất cả mọi người đều nói về nhiều hành động khủng bố và hủy diệt?

Chào mừng đến với “Heuristic”

Câu trả lời là chúng ta không chỉ đang sống trong thời kỳ hòa bình nhất trong lịch sử, mà còn là thời điểm được cập nhật thông tin tốt nhất trong lịch sử.Một tìm kiếm nhanh trên Internet sẽ thu được nhiều thông tin hơn về vụ tấn công khủng bố gần đây nhất so với thời điểm cách đây 100 năm.

4. Mỏ neo

Đây là hiệu ứng thường thấy trong việc định đoạt giá cả. Một chiếc đồng hồ $500 sẽ bị xem là quá đắt. Nhưng nếu bạn bước vào một cửa hàng và chiếc đồng hồ đầu tiên đập vào mắt bạn có giá là $5000, khả năng bạn cảm thấy một chiếc đồng hồ $500 là rất hợp lý sẽ tăng lên đáng kể. Tương tự, những món ăn đắt tiền một cách vô lý trên thực đơn sẽ giúp nhà hàng tăng doanh thu đáng kể mặc dù chẳng một thực khách nào muốn chi trả cho chúng.

5. Thiên vị thông tin khẳng định

Hầu hết mọi người không thích và dè chừng những thông tin mới, cái họ muốn là những thông tin củng cố niềm tin sẵn có.

Ví dụ, một số người tuân thủ chế độ ăn Keto sẽ tìm hiểu tất cả thông tin đánh giá cao hiệu quả của chế độ này. Kết quả là, họ tiếp tục xác nhận và củng cố niềm tin này.

Trong khi đó, một số người khác lại không đánh giá cao chế độ ăn Keto. Họ sẽ tìm đọc những bài báo nói về tác hại của chế độ ăn này. Tương tự, họ tiếp tục xác nhận và ủng hộ giả thiết hiện tại của họ.

Thay đổi suy nghĩ là điều phức tạp. Bạn càng tin rằng bạn biết điều gì đó, bạn càng lọc và bỏ qua mọi thông tin ngược lại.

Vậy phải làm sao?

Chúng ta đưa ra vô số những quyết định mỗi ngày. Những hiệu ứng đề cập trên chính là cách thức não bộ vận hành để duy trì cuộc sống hằng ngày. Chúng chính là “lối tắt”, tuy nhiên không phải phù hợp với mọi đích đến. Đối với quyết định quan trọng, chúng ta nên dành nhiều thời gian để cân nhắc và thận trọng hơn với những “lối tắt”.


Freesia Thái.
Nguồn tham khảo: jamesclear.com